Lái xe khách
bị khởi tố vì giúp bé trai 2 tuổi lạc giữa quốc lộ. Theo như lời anh Nguyễn Ngọc
Dũng, thấy bé trai khoảng 2 tuổi bị lạc trên quốc lộ, anh đã đưa cậu bé lên xe
để tới trạm CSGT gần nhất sẽ nhờ tìm hộ gia đình cháu. Tuy nhiên, việc làm của
anh đã không được ghi nhận mà bị cáo buộc giữ người trái pháp luật!?
Trong đơn
kêu oan, anh Nguyễn Ngọc Dũng (SN 1989, trú tại phường EaTam, TP.Buôn Ma Thuột,
tỉnh Đắk Lắk) trình bày mình là tài xế xe khách 16 chỗ BKS 47B-012.50 chuyên chở
khách từ thị xã Buôn Hồ đến TP. Buôn Ma Thuột. Ngày 18/3, khi đang chở 11 hành
khách qua phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ thì phát hiện 1 cháu bé khoảng 2 tuổi
đang khóc, chạy ra giữa đường. Đúng lúc này có một chiếc xe giường nằm màu đỏ
chạy ngược chiều theo hướng Buôn Ma Thuột đến Buôn Hồ, suýt va chạm với cháu
bé. Lo lắng cho sự an toàn của đứa trẻ, anh Dũng nói phụ xe xuống bế cháu bé.
Thời điểm
này có khoảng 20 đến 30 người hiếu kỳ theo dõi vụ việc. Phụ xe đã hỏi nhưng
không ai biết cháu bé là con nhà ai. Thấy vậy, anh Dũng quyết định bế cháu bé
lên xe, tiếp tục hành trình về TP. Buôn Ma Thuột, để đến chốt công an giao
thông gần nhất thì sẽ giao bé cho cơ quan công an nhờ thông báo tìm bố mẹ cháu.
Anh Nguyễn Ngọc Dũng |
Tại cơ quan
điều tra, lái xe, phụ xe cùng tất cả hành khách đều tường trình đúng lại sự việc.
Tuy nhiên, cơ quan công an cho rằng đã có sự câu kết giữa nhà xe và hành khách
để bắt cóc trẻ em...
Ngày 14/6,
cơ quan CSĐT Công an thị xã Buôn Hồ ra quyết định khởi tố bị can đối với anh
Nguyễn Ngọc Dũng (SN 1989, trú tại phường EaTam, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk)
về tội Giữ người trái pháp luật.
Hiện anh này
đang được tại ngoại. Dù anh Nguyễn Ngọc Dũng liên tục kêu oan nhưng cơ quan
công an vẫn cho rằng dù không có động cơ mục đích gì thì việc đưa cháu bé đi
hơn 10km vẫn là hành vi giữ người trái pháp luật.
Chuyên gia
pháp lý: Có dấu hiệu oan sai?
Luật sư Nguyễn
Anh Thơm - Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, đoàn Luật sư TP.Hà Nội đã nhận
bào chữa miễn phí cho anh Nguyễn Ngọc Dũng.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm |
Luật sư Thơm
cho rằng cơ quan công an cần phải đánh giá đúng bản chất sự việc. “Nếu bắt giữ
cháu bé thì anh Dũng phải có động cơ, mục đích cụ thể. Ở đây anh Dũng không
quen biết cũng như không hề có mâu thuẫn với người nhà cháu bé; cũng không có
việc bế bé về nuôi, bán hay cho người khác... Hơn nữa, trong quá trình hành nghề
chở khách, anh Dũng đều thông tin đầy đủ về nhà xe, số điện thoại liên hệ để
hành khách biết rõ, chọn lựa. Lộ trình của xe anh điều khiển luôn công khai và
CSGT nắm được...”, luật sư Thơm nói.
“Trong khi
đó, cơ quan công an cho rằng không cần động cơ mục đích, chỉ cần bế cháu bé đi
là đã phạm tội. Cơ quan điều tra còn đặt ra quá nhiều câu hỏi như: Tại sao lái
xe lại không để cháu bé ở ven đường? Không gửi cháu bé cho người dân? Tại sao
không quay ngược xe đưa cháu vào công an xã gần đó mà lại đưa cháu lên xe đưa
đi hơn 10km? Quy kết như vậy là đã bỏ qua nguyên tắc suy đoán vô tội, vị Trưởng
văn phòng Luật sư Nguyễn Anh chỉ rõ.
Các cơ quan
chức năng cần xử lý thấu đáo...
Dưới góc độ
của người nghiên cứu tâm lý, chuyên gia Nguyễn An Chất - Giám đốc công ty Tư vấn
tâm lý An Việt Sơn cho rằng việc làm của anh Nguyễn Ngọc Dũng rất nhân văn. Cơ
quan công an cần lấy lời khai của các nhân chứng để làm sáng tỏ vụ việc.
“Người xưa
có câu “làm phúc phải tội”. Đáng lẽ tài xế này phải thông báo cho mọi người biết
sự việc, cẩn thận hơn thì làm văn bản xác nhận là thấy cháu bé bị lạc người
thân giữa đường thì dừng xe cứu giúp bằng cách đưa cháu đến trạm CSGT gần nhất
để bàn giao. Khi chăm sóc cháu bé, anh này chỉ nghĩ đến tâm thiện của mình
thôi, hậu quả là bị công an khởi tố. Theo tôi, cơ quan công an cần điều tra thật
kỹ để làm rõ mục đích của tài xế này là gì. Nếu làm oan người vô tội thì sẽ khiến
mọi người e ngại, không muốn giúp đỡ người khác vì sợ “tai bay vạ gió”...”,
chuyên gia Nguyễn An Chất nhấn mạnh.
Nhận định về
vụ án trên, luật sư Bùi Thị Hiệp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng: Hành vi của
anh Dũng chưa đủ yếu tố cấu thành tội Giữ người trái pháp luật. Để cấu thành tội
này, hành vi giữ người được thể hiện ở việc người phạm tội không cho nạn nhân
đi đâu vượt ra ngoài sự kiểm soát của họ trong một thời gian ngắn, xâm phạm quyền
tự do thân thể của công dân. Đối chiếu với các tình tiết của vụ án trên, sau
khi đưa bé trai lên xe ô tô của mình, anh Dũng đã lau mặt và dỗ cho bé ngủ để
bé bớt sợ hãi sau khi đi lạc. Việc này giúp trấn an tinh thần bé chứ không xâm
phạm đến quyền tự do thân thể của bé.
"Có thể
vì nạn bắt cóc trẻ em hiện nay đang gia tăng nên phía người nhà cháu bé, dư luận,
cơ quan công an mặc định buộc tội anh Dũng mà chưa xem xét thấu đáo hoàn cảnh
khách quan và các tình tiết khác của sự việc. Các cơ quan chức năng cần xử lý
thấu đáo để tránh gây oan sai người vô tội", luật sư Hiệp cho hay.
Lãnh đạo
Công an thị xã Buôn Hồ: Có đủ bằng chứng khởi tố bị can
Trao đổi với
PV báo Người Đưa Tin, một lãnh đạo Công an thị xã Buôn Hồ cho biết, bị can Dũng
cho rằng mình bị khởi tố oan, tuy nhiên, qua các chứng cứ thu thập được cho thấy
thời điểm Dũng giữ cháu bé, nhiều hàng khách trên xe đã phản ứng, yêu cầu phải
gửi cháu bé tại nhà dân hay cơ quan chức năng gần nhất nhưng bị can không đồng
ý. Khi đi đến gần trạm CSGT, Dũng cũng không có dấu hiệu dừng mà tiếp tục cho
xe chạy với tốc độ bình thường. Thời điểm này, lực lượng CSGT nhận được tin báo
của người dân nên ra tín hiệu dừng nhưng Dũng chạy xe qua trạm hơn 40m mới chịu
dừng lại.
“Đây là vụ
án khá nhạy cảm nên đơn vị đã thu thập các bằng chứng, lời khai nhân chứng liên
quan đồng thời họp, tham mưu các cấp rất kỹ. Sau 3 tháng thu thập tài liệu, đơn
vị đã đủ bằng chứng khởi tố bị can đối với Dũng. Hiện, đơn vị đang củng cố hồ
sơ để kết luận vụ án chuyển cho VKSND cùng cấp truy tố Nguyễn Ngọc Dũng về tội
Giữ người trái pháp luật”, vị lãnh đạo Công an thị xã Buôn Hồ thông tin.
Việt Hương -
Mai Cường
Nguồn: Người Đưa Tin
Nhận xét
Đăng nhận xét